Những năm trước đây, cây quế khá thăng trầm, nhưng từ khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Quế Trà Bồng - Tây Trà" và lọt top 10 thương hiệu nổi tiếng, cây quế dần khẳng định vị thế, giá bán ổn định hơn. Người dân đã dần mở rộng diện tích trồng quế. Theo thống kê, diện tích quế hiện nay của Trà Bồng gần 2.000ha, chủ yếu ở xã Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Bùi, Trà Tân và Trà Giang.
Người dân địa phương thu hoạch, phân loại quế.
Ông Hồ Văn Sơn, ở xã Trà Hiệp, người đã có hơn 30 năm trồng quế cho biết: Với diện tích khoảng 2ha, mỗi năm cây quế mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Cây quế gắn liền với đồng bào Cor bao đời nay, nên ngoài duy trì diện tích quế của gia đình, tôi luôn chỉ bảo con cháu phải biết giữ gìn, bảo tồn giống quế địa phương.
Cùng với thương hiệu, việc mua bán quế từ chỗ chỉ là hàng vỏ thô, hiện nay các sản phẩm từ quế đã được chế tác đa dạng, như bình ly uống nước, hộp đựng tăm... Trà Bồng hiện có hàng chục cơ sở thu mua và sản xuất, kinh doanh quế, đặc biệt là từ vỏ quế sản xuất ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Thị trường tiêu thụ cũng không còn giới hạn ở trong tỉnh, trong nước, mà các sản phẩm của quế đã vươn ra thị trường Châu Á, Châu Âu... nên việc duy trì và xây dựng hướng đi bền vững cho cây quế là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hội nhập.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Bắc cho biết: Năm 2019, đề án xây dựng vùng chuyên canh cây quế chính thức triển khai trên địa bàn huyện, với mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 500ha chuyên canh quế. Từ diện tích quế này, dự kiến, mỗi năm sẽ cung cấp cho thị trường hơn 1.300 tấn vỏ quế để phục vụ cho nhu cầu chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chưng cất tinh dầu quế. Ngoài phát triển vùng chuyên canh, huyện sẽ tăng cường thu hút đầu tư, tìm thêm thị trường tiêu thụ, bảo quản chất lượng, thương hiệu sản phẩm quế Trà Bồng...
Bài, ảnh: TRÍ PHONG